Đại diện VNMenNet tham gia đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện Dự án sửa đổi Luật Bình đẳng giới

Để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Vụ Bình đẳng giới) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi) vào ngày 20/01/2022 tại Nhà xanh Liên hợp quốc.

Anh Nguyễn Quang Huy – thành viên Ban Điều hành Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (VNMenNet) đã đại diện VNMenNet đến tham dự Hội thảo. Anh Huy đã thể hiện quan điểm tán thành về sự cần thiết về việc sửa đổi bổ sung Luật Bình đẳng giới. Nhất là những nội dung thể hiện sự tiến bộ trong việc xác định phân biệt đối xử giới tiến tới bình đẳng giới.

Để góp phần hoàn thiện dự án sửa đổi Luật bình đẳng giới, Anh Nguyễn Quang Huy đã đưa ra hai ý kiến như sau:

Thứ nhất, làm rõ định nghĩa các hành vi bị cấm, nghiêm cấm trong Luật Bình đẳng giới.

Trong thực tế, những người bạo lực giới không biết các hành vi mình làm là bạo lực giới. Nhiều người đàn ông nghĩ và cho mình quyền được mắng chửi vợ con, đánh, sử dụng vũ lực, bắt người phụ nữ làm công việc nhà, cưỡng ép, tảo hôn. Gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý của người phụ nữ. Tuy nhiên sau khi được phổ biến đó là bạo lực giới, là cái xấu thì họ dừng các hành vi đó và có xu hướng ngược lại.

Như vậy, một yếu tố dẫn tới bạo lực giới là do không được phổ biến và hiện tại trong Luật Bình đẳng giới cũng không thể hiện rõ ràng.

Tại khoản 3 Điều 10 Luật Bình đẳng giới quy định về nghiêm cấm bạo lực trên cơ sở giới nhưng chưa định nghĩa thế nào là bạo lực giới.

Hoặc hành vi “cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới ” (Khoản 1 Điều 10) nghĩa là gì? khác với “phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức” (Khoản 2 Điều 10) như thế nào? “Các hành vi khác bị nghiêm cấm” là những hành vi nào?

Quy định chung chung này làm người đọc khó có thể hiểu được và biết được đâu là hành vi bị cấm. Vậy nên cần định nghĩa các hành vi bị cấm, nghiêm cấm trong Luật Bình đẳng giới một cách rõ ràng.

Thứ hai, phòng ngừa bất bình đẳng giới.

Hiện tại trong Luật Bình đẳng giới đã có chế tài về hành vi bạo lực trên cơ sở giới theo pháp luật hành chính và hình sự cũng như các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên cũng cần đưa  thêm vào Luật Bình đẳng giới các cơ chế phòng ngừa.

Ví dụ như tuyên truyền truyền, giải thích rõ tới sâu rộng quần chúng nhân dân các hành vi mà Luật Bình đẳng giới nghiêm cấm. Đưa nội dung bình đẳng giới vào môn học như giáo dục công dân trong nhà trường, giúp người dân có nhận thức từ sớm để không vi phạm cũng như nhận diện rõ các hành vi bạo lực giới để bảo vệ bản thân.