Gia tăng tình trạng bạo lực và bất bình đẳng với phụ nữ khuyết tật trong đại dịch Covid-19

Theo tổng điều tra về dân số năm 2016 thì Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) trong đó phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chiếm gần 3,5 triệu (khoảng 56% người khuyết tật) tại Việt Nam.

Nếu như với nam giới khuyết tật đã chịu nhiều tổn thương do các yếu tố xã hôi thì phụ nữ chịu tổn thương kép, do bản thân vừa là phụ nữ, vừa là người khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật được coi là một nhóm dân số dễ bị gạt ra ngoài lề xã hội nhiều hơn, họ thường có trình độ học vấn thấp hơn, tỷ lệ việc làm thấp hơn, ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, v.v.

Nhân ngày Quốc tế về Người khuyết tật (3 tháng 12 hàng năm) Anh Trần Quốc Nam đại diện Diễn đàn VNMENNET có dịp trao đổi với bà với bà Đỗ Thị Huyền- Trưởng đại diện quỹ Abilis tại VietNam/ Phó chủ tịch Hội NKT Hà Nội về vấn đề này.

Trần Quốc Nam: Thưa bà Đỗ thị Huyền: Trong thiên tai, chiến tranh, dịch

bệnh nhóm yếu thế là nhóm sẽ phải chị nhiều tổn thương nhất với nhóm NKT và đặc biệt là phụ nữ khuyết tật họ phải chịu những tổn thương gì?

Bà Đỗ Thị Huyền: Khi đại dịch Covid 19 xảy ra, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản hoặc tiếp cận các dịch vụ, hoà nhập xã hội do sự phân biệt đối xử với người khuyết tật vẫn còn. Đặc biệt là tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong cuộc khủng hoảng này tồi tệ hơn nhiều so với những người khác.

Trong thời gian giãn cách xã hội, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ gia tăng của bạo lực trên cơ sở giới (BLG) và các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ BLG. Khi phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ở nhà với gia đình, mất hoặc giảm đi các mối quan hệ xã hội, sự hỗ trợ thông thường, căng thẳng gia tăng, dẫn đến bạo lực về thể chất, tình dục, tình cảm và tâm lý. Không chỉ phải đối mặt như căng thẳng trong gia đình khi mọi người sống chung với nhau trong thời gian dài, phụ nữ khuyết tật không có khả năng tự chăm sóc, cần sự hỗ trợ. Vì vậy họ rất cần sự chăm sóc và hỗ trợ từ gia đình, tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ và trẻ em khuyết tật bị từ chối trợ giúp cần thiết hoặc bỏ mặc, thậm chí hạ thấp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Một bạn nữ là người Điếc* chia sẻ: Ở nhà với gia đình- những người nghe – và không thể giao tiếp luôn tạo ra một loại cảm giác khó chịu và căng thẳng, và đã có những cuộc tranh cãi, bởi vì họ không thể hiểu những gì tôi muốn và tôi cũng không thể hiểu mọi người. Bạo lực nổi lên, đặc biệt là bạo lực tâm lý do không được tiếp cận thông tin bằng hình thức đặc thù của của người khiếm thính thể điếc (Giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu với cộng đồng) và bất lực do không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình tạo ra loại bạo lực này từ cả hai phía. Khả năng tiếp cận thông tin liên lạc đã trở thành một vấn đề lớn đối với cộng đồng người điếc.

Nhiều chị em phụ nữ khuyết tật biết mình đang bị bạo lực nhưng trong thời điểm này các dịch vụ hỗ trợ BLG trở nên rất khó tiếp cận hơn do các biện pháp giãn cách xã hội. Một số chị em chia sẻ rằng các dịch vụ hỗ trợ BLG như nơi tạm trú, tư vấn tâm lý xã hội, trợ giúp pháp lý và những dịch vụ khác… không thể tiếp cận được trong thời gian đại dịch, khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật khó khai báo hoặc thoát khỏi các tình huống bạo lực. Đối với cộng đồng người khiếm thính/điếc, những rào cản tồn tại từ trước đối với việc tiếp cận đường dây trợ giúp và các dịch vụ khác vẫn tiếp diễn trong thời kỳ đại dịch, khiến phụ nữ và trẻ em gái khiếm thính dễ bị bạo lực. Đối với chị em khiếm thị/mù, nguy cơ bị bạo lực cũng vô cùng cao vì họ có tâm lý sợ bị bỏ mặc. Một phụ nữ khiếm thị chia sẻ, “Bạo lực gia đình là một vấn đề rất lớn mà phụ nữ khuyết tật phải chịu đựng vì nếu họ phản kháng, họ có thể bị bỏ mặc và sự hỗ trợ từ bên ngoài bị cắt đứt, họ thậm chí không thể thông báo về bạo lực mà họ đang phải đối mặt từ nhà.”

Hơn nữa, BLG tác động đến sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) do làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn đối với cả phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Trong thời gian dịch xảy ra, khó có thể tiếp cận được với các biện pháp tránh thai khẩn cấp hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do đây không phải là vấn đề đáng quan tâm của đại đa số các gia đình, đặc biệt là đối với các thành viên là người khuyết tật. Về phía bản thân phụ nữ khuyết tật cũng e ngại đề cập đến vấn đề này trong gia đình và không chủ động tìm kiếm sự trợ giúp.

Trần Quốc Nam: Việc giãn cách xã hội khiến đối tượng lao động bị giảm việc làm, thậm chí là mất việc làm. Thực trạng việc làm  với phụ nữ khuyết tật ra sao?

Bà Đỗ Thị Huyền : Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự bất ổn về việc làm, thu nhập cho nhiều người, và điều này có tác động sâu sắc đến phụ nữ khuyết tật. Thực tế là phụ nữ khuyết tật có ít cơ hội hơn so với nam giới khuyết tật và phụ nữ không khuyết tật khi tham gia vào thị trường việc làm chính thức. Họ thường làm các công việc trong lĩnh vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội. Đa số chị em phụ nữ khuyết tật làm cho các cơ sở nhỏ, tự kinh doanh, bán hàng vì vậy vấn đề sinh kế rất bấp bênh. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ không thiết yếu không được mở cửa thì rất nhiều chị em không có việc làm, không có nguồn thu nhập để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Một phụ nữ khuyết tật là hội viên của Hội NKT Hà Nộichia sẻ: Tôi có chiếc xe đẩy bán hàng nhưng từ khi covid thì không được bán hàng rong nữa, chả biết làm gì để kiếm sống cả hơn năm nay. Bản thân chị là mẹ đơn thân, làm sao để nuôi con ăn học trong thời dịch này? Đến cái điện thoại duy nhất là phương tiện liên lạc thì phải để cho con sử dụng để học online.

Bên cạnh đó, phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận thông tin, nguồn cung cấp, thực phẩm, vận chuyển và các dịch vụ thiết yếu trong thời gian đại dịch. Do tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhiều chị em phụ nữ khuyết tật sống một mình hoặc mẹ đơn thân rơi vào tình thế khó khăn khi mua nhu yếu phẩm vì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Trần Quốc Nam: Thưa bà, kể từ khi thành lập Hội NKT Hà Nội luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ khuyết tật, với thực trạng các vấn đề như bà đã chia sẻ thì Hội NKT Hà Nội đã có những hành động cụ thể như thế nào?

Bà Đỗ Thị Huyền: Trước vấn đề này, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã có một số hoạt động nhằm góp phần xoá bỏ khoảng cách bất bình đẳng, giảm nguy cơ bạo lực đối với hội viên nữ và trẻ em gái. Hội đã kiến nghị lên Đài truyền hình Việt Nam để Đài truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu vào cho Bản tin thời sự lúc 17:30 hàng ngày nhằm giúp người điếc tiếp cận thông tin kịp thời. Hội đã phối hợp với chính quyền và một số cơ quan, tổ chức như UBMTTQ, Hội Sinh viên… để trao tặng các phần quà gồm những nhu yếu phẩm cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, điểm siêu thị 0 đồng và có ưu tiên hội viên nữ. Đặc biệt, Hội đã thí điểm tổ chức tập huấn về an toàn trên môi trường mạng và bạo lực giới cho gần 100 chị em phụ nữ khuyết tật nhằm giảm nguy cơ chị em bị bạo lực. Hội cũng tổ chức các cuộc thi về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình để nâng cao nhận thức của hội viên và cộng đồng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông của Hội như website, fanpage…

Trần Quốc Nam: Được biết Hội NKT Hà Nội cũng là đơn vị điều phối mạng lưới “CLB phụ nữ khuyết tật phía bắc Việt Nam”, xin bà cho biết về mạng lưới này:

Bà Đỗ Thị Huyền: Mạng lưới Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật các tỉnh phía bắc Việt Nam ra đời ngày 29/6/2018 là một kết quả trong dự án thực hiện với tổ chức CRS của Hội Người khuyết tật TP Hà Nội. Sự ra đời của Mạng lưới nhằm mục đích phát triển các Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật và tăng cường vai trò của các lãnh đạo nữ trong phát triển Hội người khuyết tật, các tổ chức tự lực của người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Các thành viên đầu tiên của Mạng lưới bao gồm 10 CLB/Nhóm của phụ nữ khuyết tật tại 10 tỉnh/thành ở phía Bắc Việt Nam gồm có Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Nguyên…với con số thành viên hội viên nữ đang sinh hoạt tại các tổ chức Hội, nhóm, CLB lên đến hàng ngàn người.

Mạng lưới có Ban điều hành gồm đại diện lãnh đạo phụ trách công tác phụ nữ của các tổ chức Hội, Nhóm/CLB. Các tổ chức thành viên luân phiên điều hành hoạt động của mạng lưới, mạng lưới CLB phụ nữ khuyết tật phía bắc Việt Nam Ban cố vấn của mạng lưới CLB Phụ nữ khuyết tật các tỉnh phía Bắc Việt Nam có Ban cố vấn gồm các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật và bình đẳng giới, do Ban điều hành mạng lưới chọn lọc.

Nam giới khuyết tật cùng chung tay trong chiến dịch “He For She” vì sự tiến bộ và bình đẳng đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật.

Trần Quốc Nam: Tác động của đại dịch Covid khó có thể chấm dứt trong nay mai, mà còn  rất lâu dài và hệ quả là sự bất bình đẳng, nguy cơ bạo lực cao hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Để ứng phó với vấn đề này, Hội NKT Hà Nội và mạng lưới Phụ nữ khuyết tật phía Bắc có những kiến nghị/ đề xuất gì?

Bà Đỗ Thị Huyền: Thay mặt lãnh đạo Hội NKT Hà Nội và đại diện Mạng lưới CLB phụ nữ khuyết tật các tỉnh phía bắc Việt Nam, chúng tôi có những kiến nghị sau đây.

  1. Cung cấp thông tin dưới dạng tiếp cận được cho tất cả mọi người

Luật tiếp cận thông tin đã được ban hành và có hiệu lực, chúng tôi đề nghị Các đơn vị liên quan như Bộ TTTT, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH, Đài truyền hình, các cơ quan Chính phủ…cần phổ biến thông tin ở các dạng dễ tiếp cận được. Điều này bao gồm việc có ngôn ngữ ký hiệu và chú thích thời gian tại các cuộc họp báo và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; các tài liệu truyền thông công cộng ở dạng âm thanh, chữ nổi, và các định dạng dễ hiểu; việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số có thể truy cập; và việc tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp cận đối với thông tin dựa trên các trang điện tử.

  1. Đảm bảo việc tiếp cận đối với tất cả các hàng hóa và dịch vụ, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ dành riêng cho người khuyết tật, cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người khuyết tật, chú ý đến vấn đề giới như nhu cầu của chị em phụ nữ khuyết tật (chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục).
  2. Hỗ trợ sinh kế, việc làm cho phụ nữ khuyết tật

-Tạo điều kiện để chị em phụ nữ khuyết tật vay vốn từ ngân hàng chính sách qua các kênh khác nhau, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.

-Tạo điều kiện để phụ nữ khuyết tật tham gia vào các chương trình khởi nghiệp, tiếp cận việc làm.

  1. Lồng ghép vấn đề giới trong hoạt động của tổ chức Hội Người khuyết tật các cấp

Trong hoạt động của Hội Người khuyết tật các cấp, cần chú ý đến vấn đề giới và lồng ghép giới vào trong mọi chương trình, hoạt động. Nên có những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn, tham vấn về sức khỏe, phòng chống bạo lực …cho chị em phụ nữ khuyết tật. Có các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho chị em PNKT …

  1. Hợp tác với người khuyết tật thông qua các tổ chức của người khuyết tật

Tất cả các chính sách ứng phó và phục hồi với dịch Covid-19 phải bao gồm khuyết tật, từ các biện pháp ngăn chặn và y tế công cộng đến các gói kích thích kinh tế và đánh giá tác động kinh tế xã hội. Do khuyết tật đa dạng và đặc thù, các chính sách đưa ra cần có sự tham gia tư vấn của các tổ chức người khuyết tật trong suốt quá trình thiết kế và thực thi để đảm bảo nhu cầu của người khuyết tật được đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt, đây cũng là một sự hợp tác giữa chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác liên quan với các tổ chức người khuyết tật vì các tổ chức của người khuyết tật hiểu rõ nhất nhu cầu của người khuyết tật và có thể làm đối tác cung cấp dịch vụ để giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực khi hỗ trợ người khuyết tật trong đại dịch này.

Trần Quốc Nam: Xin trân trọng cám ơn bà về cuộc trò chuyện này và Nhân ngày quốc tế về NKT xin chúc bà mạnh khỏe và luôn có những sáng kiến nỗ lực thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng v tiến bộ cho NKT và đặc biệt là phụ nữ khuyết tật.

Trần Quốc Nam – thành viên Ban điều hành VNMENNET

* Người điếc: Là cụm từ cộng đồng người điếc muốn xã hội gọi mình để phân biệt với người khiếm thính, là người còn có khả năng nghe nếu dược hỗ trợ bằng các thiết bị nghe (Cấy ốc tai, đeo máy trợ thính..) hoặc nghe kém.